Cẩm nang chăm sóc bé

Con bạn đã thực sự ngủ ngon và ngủ đủ?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Tuy vậy, thời gian ngủ dài hay ngắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ mà việc bé ngủ có ngon giấc hay không mới ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ.

Tầm quan trọng của việc ngủ đủ và ngủ ngon ở trẻ:

Đối với trẻ em, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormon tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Theo quy luật là lúc chúng ta đi vào giấc ngủ hormon tăng trưởng mới sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hormon sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ cho tới 1 giờ. Do vậy, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormon tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của trẻ.

Ngủ cũng là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng. Do vậy, một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung và khả năng học tập của trẻ. Một nghiên cứu trên 11,000 trẻ em xuất bản trên tạp chí Journalof Epidemiol Community Health đã chứng minh những trẻ không được ngủ đúng giờ cho tới khoảng năm 3 tuổi sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng nhận thức, khả năng đọc và kỹ năng toán học thậm chí tới năm 7 tuổi.

Do vậy, các nhà khoa học kết luận rằng 3 năm đầu đời là thời điểm trẻ đặc biệt nhạy cảm với giấc ngủ và có một mối liên hệ khăng khít giữa giấc ngủ đối với sự phát triển não bộ của trẻ.

Giấc ngủ giúp duy trì một cách cân bằng quá trình tiết của một số hormon, bao gồm cả hormon giúp kiểm soát cơn thèm ăn. Do vậy, tình trạng mất ngủ có thể làm tăng cơn thèm ăn gây ra chứng thừa cân và béo phì ở trẻ.

Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ ít ốm hơn. Để trẻ ngủ nhiều hơn cũng có thể giúp trẻ bớt ốm vặt hơn. Những nghiên cứu khác ở người lớn cũng đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 8 tiếng 1 ngày sẽ làm họ có khả năng bị cảm lạnh cao hơn gấp 3 lần.

Ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ đối với vấn đề phát triển trẻ em:

Ngủ không ngon giấc hoặc có thể bị thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể trẻ tiết ra những chất hoá học gây mất cân bằng như cortisol, progesterone...  làm trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực và khả năng tiếp thu học tập. Những trẻ thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ phát triển trí não chậm hơn so với các bé khác và dĩ nhiên là sẽ không lanh lẹ, thông minh, hoạt bát như các bé có giấc ngủ ngon.

Theo The Guardian, việc cho trẻ đi ngủ có tác động đáng kể tới hành vi của trẻ. Nghiên cứu được tiến hành trên 10.000 trẻ em tại Anh cho thấy, những em bé với giờ ngủ thất thường có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi, bao gồm: hiếu động thái quá, khó khăn trong thể hiện cảm xúc.

Vậy nhu cầu ngủ của trẻ bao nhiêu là đủ:

Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi theo cơ địa ở mỗi trẻ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tuổi của trẻ là quan trọng nhất. Nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.

Mỗi lứa tuổi thời gian ngủ khác nhau, trẻ càng nhỏ thời gian ngủ càng nhiều.

- Trẻ sơ sinh: ngủ 16 - 18h/ ngày, trừ những lúc thức để ăn còn lại là trẻ ngủ.

- Trẻ: 2 - 12 tháng cần ngủ 14 -16h/ ngày.

- Trẻ 13 - 36 tháng cần ngủ 12 - 14h/ ngày.

- Trẻ từ 3 - 6 tuổi cần ngủ 10 - 12h/ ngày.

Từ 3 tuổi trở đi, phần lớn trẻ đã hình thành được thói quen ngủ của mình.

 Để biết con bạn có thực sự ngủ đủ và ngủ ngon, xin trả lời 3 câu hỏi dưới đây của các chuyên gia:

1.     Bé có thường xuyên ngủ gật trong lúc bạn đang lái xe không?

2.     Bạn có phải đánh thức bé dậy mỗi sáng không?

3.     Bé có mệt mỏi, khó chịu hay cáu kỉnh trong ngày không?

Nếu câu trả lời là có cho bất kỳ câu hỏi nào , có thể con của bạn đã ngủ ít hơn nhu cầu cơ thể của bé cần.

 Các giải pháp hỗ trợ để cho trẻ được ngủ đủ và ngủ ngon:

Không gian phòng ngủ: Phòng ngủ của bé phải thông thoáng, mát mẻ và tốt nhất là có thể che kín ánh sáng khi cần thiết. Trong những năm đầu đời, thời gian ngủ ban ngày của trẻ rất nhiều, vì vậy nếu ánh sáng thường xuyên chiếu vào phòng sẽ gây khó ngủ, thậm chí hại mắt bé. Không gian trong phòng phải sạch sẽ, tránh để những vật cứng có thể gây nguy hiểm cho trẻ gần đó.

Âm thanh khi trẻ ngủ: Trẻ em rất nhạy cảm với tiếng động vì vậy nếu không gian xung quanh nơi trẻ ngủ thường có tiếng ồn, trẻ sẽ không thể ngủ sâu. Cần giảm tối thiểu các yếu tố kích thích lên hệ thần kinh của trẻ, trong đó tiếng ồn cũng là một yếu tố cần loại bỏ ngay từ đầu. Cha mẹ không nên xem tivi và dùng máy vi tính ở gần nơi bé ngủ.

Tập giờ ngủ cho trẻ: Đây là việc làm khá gian nan và khiến nhiều mẹ đầu hàng. Việc tập cho trẻ ngủ đúng giờ vừa phát triển trí não cho trẻ, tạo nếp sinh hoạt lành mạnh về sau vừa giúp mẹ chủ động được thời gian. Hãy thiết lập những tín hiệu đặc trưng của việc đi ngủ, ví dụ để phòng tối, có tiếng nhạc du dương, vỗ nhẹ vào lưng bé, bé đòi chơi bạn cứ im lặng giả bộ, …lặp đi lặp lại như vậy bé sẽ hình thành phản xạ ngủ đúng giờ khi thấy các tín hiệu này.

Hoạt động trước khi ngủ: Cần duy trì ổn định một số hoạt động thể chất và bồi dưỡng tinh thần giúp bé cảm thấy thoải mái trước khi đi ngủ. Các chuyên gia chăm sóc trẻ nhỏ khuyên bạn nên tắm, mat-xa, thay quần áo ngủ, kể chuyện cổ tích hoặc hát ru cho bé. Trước khi cho bé ngủ, bạn cũng nên có thói quen tắt đèn như một tín hiệu báo cho bé biết “giờ lên giường đã điểm”. Bóng tối giúp cơ thể giải phóng hormone melatonin gây buồn ngủ nhờ vậy trẻ sẽ có giấc ngủ sâu và kéo dài.

Cho bé mặc thoải mái, khô thoáng:  Nghiên cứu khoa học cho thấy số lần vận động trong khi ngủ của trẻ nhỏ nhiều gấp 2 lần người lớn, với những bé hiếu động con số thể lên đến 10 lần. Ngoài ra, vào ban đêm bé rất dễ tè dầm. Vì vậy, cần thay tã hoặc quần áo khô thoáng cho bé mặc đi ngủ để giúp bé thoáng khí, không bị ngấm mồ hôi và hạn chế thấm ngược nước tiểu vào người, để giấc ngủ của bé không bị gián đoạn.

Dạy trẻ tính độc lập khi ngủ: Tuyệt đối không ôm ấp con khi ngủ. Nhiều cha mẹ nghĩ ôm để con an tâm ngủ ngon, điều này rất phản khoa học. Việc cha mẹ ôm con có thể cản trở hô hấp của trẻ, thậm chí lây bệnh qua đường thở cho con. Hơn nữa, nếu bạn ôm ấp trẻ ngủ trong 3 tháng đầu thì sau đó giấc ngủ của bé sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điều đó. Khi không được ôm nữa, bé sẽ ngủ không ngon và rất dễ tỉnh giấc.

Giấc ngủ trưa đặc biệt quan trọng: Trẻ có thói quen ngủ trưa có khả năng tập trung tốt hơn và thông minh hơn những đứa trẻ khác. Lý do là sau một giấc ngủ trưa, tinh thần trẻ sảng khoái, vận động linh hoạt nên càng kích thích não bộ phát triển.

Lưu ý các mẹ: Đừng vội dỗ dành khi con khóc giữa đêm!

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne (Australia) cho thấy, cha mẹ “phớt lờ” những lần trẻ bật khóc giữa đêm thì dần dần bé sẽ tự tạo cho mình một kiểu ngủ ngon hơn. Các chuyên gia phân tích rằng: Khi trẻ khóc đêm, cha mẹ cần đợi một thời gian mới đến an ủi bé và điều này sẽ giúp bé biết cách tự “ru” mình. Để tập thói quen này, cha mẹ cần kiên nhẫn và lạnh lùng, đợi 1-2 phút có khi là lâu hơn, càng ít vuốt ve, vỗ về và nói chuyện với bé càng tốt. Đặc biệt không bế bé dậy và cũng không bật đèn ngay khi bé khóc. Nếu bạn “xót” con, lập tức nựng nịu thì sẽ tạo thói quen cho những lần sau, bé sẽ không tự ngủ, và ngay lúc đó có thể còn tỉnh luôn. Tại Mỹ, tất cả những điều trên được gọi là phương pháp Feber dùng cho các bà mẹ có con hay khóc giữa đêm.

Giấc ngủ chiếm trọn 1/3 cuộc đời mỗi con người và đối với trẻ em nhất là trẻ trong độ tuổi phát triển, giấc ngủ càng nên được các bậc phụ huynh quan tâm và chăm chút. Ngủ đủ giấc, ngủ đúng sẽ giúp trẻ có được một giấc ngủ sâu và chất lượng làm cho thể chất và trí tuệ trẻ phát triển một cách tốt nhất.

 

Nguồn : Internet